Nhà mạng trong cuộc chiến 3G

Chỉ sau chưa đầy 7 tháng được chính thức cấp phép 3G, ba nhà mạng lớn nhất là Vinaphone, Mobifone và Viettel đã lần lượt “xuất xưởng” những dịch vụ ứng dụng công nghệ 3G đầu tiên. Mỗi doanh nghiệp đều có những kế sách và có những bước chuẩn bị cho riêng mình trong cuộc chạy đua này để nhanh chóng giành thị phần.

VinaPhone: “Đánh nhanh thắng nhanh”

Là doanh nghiệp đăng ký cung cấp 3G sớm nhất, chiến lược của Vinaphone là “đánh nhanh thắng nhanh” để khai thác lượng khách hàng tiềm năng, né tránh sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ. Theo đó, Vinaphone cam kết sẽ ra mắt mạng 3G chỉ sau 1 tháng được cấp phép.

Đến tháng 10/2009, Vinaphone cung cấp dịch vụ 3G, gồm Mobile Internet (truy cập Internet tốc độ cao trực tiếp từ điện thoại); Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động); Video Call (đàm thoại thấy hình giữa các thuê bao Vin-aphone), Mobile Camera (xem trực tiếp hình ảnh tình trạng các nút giao thông); Mobile TV (xem trực tiếp 15 kênh truyền hình trên máy di động); 3G Portal (thế giới thông tin và giải trí trên điện thoại di động).

Mobifone: Tập trung đầu tư tại các đô thị lớn

Mobifone triển khai 3G một cách thận trọng với tiêu chí “3G cho mọi người”, nhà mạng này đã tung ra thị trường nhiều gói dịch vụ khác nhau. Đối với các khách hàng có khả năng chi trả cao, MobiFone đưa ra các gói cước như Surf30, Surf7…; còn các khách hàng có khả năng chi trả thấp, nhu cầu dùng vừa phải thì nhà mạng này đưa ra gói cước thấp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Chiến lược của mạng này là tập trung đầu tư tại các đô thị lớn rồi mới mở rộng vùng phủ sóng ra khu vực nông thôn. Tại thời điểm khai trương, MobiFone đã hoàn thành việc lắp đặt và phát sóng 2.400 trạm BTS 3G, phủ sóng các khu đô thị lớn tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Nhà mạng này cho biết sẽ tiến hành phủ sóng 3G từ đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ theo cấp độ ưu tiên giảm dần.

Viettel: Chiến lược “Mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau”

Viettel là cái tên rất được chờ đón nhưng lại là doanh nghiệp cung cấp 3G muộn hơn so với các mạng khác. Tương tự như năm 2004 khi chính thức kinh doanh dịch vụ di động, lần này, Viettel cũng thực hiện triết lý “mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau”.

Nhà-mạng-trong-cuộc-chiến-3G

Với quan điểm 3G phải tốt và rộng như 2G, dự kiến đến hết năm 2010 Viettel sẽ có hệ thống hạ tầng lên đến 20.000 trạm BTS 3G. Mặc dù cam kết với Bộ TTTT trong hồ sơ thi tuyển 3G, Viettel sẽ lắp đặt 5.000 trạm phát sóng, nhưng ngay tại thời điểm khai trương cách đây 1 tháng, Viettel đã có 8.000 trạm, gấp hơn 1,5 lần so với cam kết. Với số lượng trạm 3G lớn nhất này, Viettel đã phủ sóng tới tận trung tâm huyện và các xã lân cận của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Khách hàng sử dụng mạng Viettel vẫn được sử dụng dịch vụ 3G vì nhà mạng trước khi cung cấp chính thức đã có một giai đoạn thử nghiệm dài hơi nhằm khắc phục các lỗi ko lường trước được của mạng 3G. Sự cẩn thận này đã giúp cho Viettle có mạng 3G với tốc độ cao, ít lỗi, phủ sóng rộng khắp,…

Mặt khác, với phương châm “bình dân hóa các dịch vụ viễn thông” đã từng được Viettel thực hiện rất thành công khi triển khai 2G, doanh nghiệp này cũng đưa ra các giải pháp để mọi khách hàng đều có thể sử dụng các tiện ích từ dịch vụ 3G. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã thành công ở mạng 3G, dịch vụ truy cập internet băng rộng luôn được đánh giá là quan trọng nhất đối với người sử dụng.

Viettel đã bình dân hóa 3G bằng việc thiết kế chính sách giá cước thấp nhất, thậm chí chi phí sử dụng data trên nền 3G còn rẻ hơn 2G: Chỉ cần 10.000 đồng/tháng khách hàng đã có thể sử dụng dịch vụ Mobile Internet 3G (truy cập internet bằng điện thoại di động) mọi lúc mọi nơi. Dịch vụ D-com 3G (truy cập internet qua máy tính) mang đến cơ hội truy cập internet tốc độ cao cho khách hàng với chi phí bắt đầu từ 30.000đ/tháng.

Như vậy, ngoài việc toàn bộ khách hàng đều được hưởng các dịch vụ và ứng dụng thú vị trên nền công nghệ 3G, Viettel còn đem đến cơ hội sử dụng internet tốc độ cao cho hơn 18 triệu hộ gia đình chưa thể sử dụng Internet có dây ADSL. Điều này thể hiện quan điểm của Viettel là mạng 3G cũng tương tự như mạng 2G cả về vùng phủ rộng và đối tượng sử dụng sẽ không phân biệt nông thôn hay thành thị, ở trung tâm hay biên giới, hải đảo xa xôi, người có thu nhập cao hay thu nhập thấp.

Chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, với lợi thế về vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ và giá thành, chắc chắn, mạng 3G của Viettel sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Viettel mong muốn góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Và 3G chính là một giải pháp tối ưu để cụ thể hóa mong muốn đưa công nghệ băng rộng về với mọi người, mọi nhà.

Rõ ràng, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều đã chọn cho mình một hướng đi riêng trên sân chơi 3G. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành viễn thông như hiện nay, chẳng bao lâu nữa mạng lưới 3G sẽ không còn xa lạ với mọi người và lợi thế chắc chắn thuộc về những doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn và nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế thị trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *