Còn điều gì “ông trùm” Murdoch không biết về internet?

Murdoch đã đúng khi cho rằng thiết bị hiện đại sẽ chỉ là một vật vô tri vô giác nếu thiếu nội dung, nhưng ông đã không nhận ra đó là quan hệ cộng sinh.

Rupert Murdoch biết ai là  người chiến thắng trong cuộc chiến giữa giới truyền thông và Internet. Không bất ngờ, người đó chính là Rupert Murdoch. “Nếu không có nội dung, những màn hình ngày càng rộng hơn, phẳng hơn, máy tính bảng tablet, thiết bị đọc điện tử (e-reader) và những điện thoại di động hiện đại sẽ không còn sức sống”, Murdoch tuyên bố khi News Corp công bố doanh thu lớn không ngờ cho quý 2 của năm tài khóa 2010. Các thiết bị và nền tảng đang được cải tiến từng ngày, nhưng công nghệ thông minh sẽ chỉ là một con tàu rỗng nếu không có nội dung”.

Có vẻ như  Murdoch đã quá tự tin khi cho rằng con tàu News Corp. có thể hiên ngang trong cơn sóng gió truyền thông do Internet gây ra. Mặc dù đang lãi to nhờ  “quả bom” Avatar, nhưng giống như những công ty truyền thông khác, News Corp. vẫn phải học hỏi, thử nghiệm và thất bại nhiều lần trước khi có thể thu được lợi nhuận từ Web. Sự ra đời của iPad và các thiết bị tablet khác sẽ hỗ trợ quá trình này. Nhưng trước tiên, công nghệ hiện đại sẽ khiến giới truyền thông gặp nhiều khó khăn hơn vì phải nhanh chân tìm cách thích ứng.

Còn-điều-gì-ông-trùm-Murdoch-không-biết-về-internet?

Còn điều gì “ông trùm” Murdoch không biết về internet? (Ảnh nguồn: smh.com.au)

Bài toán khó gỡ nhất đối với giới truyền thông không phải là  sự thay đổi của mô hình kinh doanh, mà là  không ai biết rõ mô hình kinh doanh đang thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, một ý tưởng quan trọng đang bắt đầu trở nên sáng rõ: Nội dung không còn là sản phẩm nữa, mà là một loại hình dịch vụ. Bởi đối với người tiêu dùng, nội dung càng ngày càng không giống một món hàng họ mua. Thay vào đó, nó là những gì họ trải nghiệm.

Người tiêu dùng trả tiền cho cái gì?

Ý tưởng này được đưa ra khoảng hai năm trước, khi những người như Kevin Kelly (Tổng Biên tập tạp chí Wired) khẳng định rằng Internet thực sự là một chiếc máy photocopy, và đặt câu hỏi thứ gì có thể bán được và không dễ copy được. Những người khác đã đi xa hơn khi đề cập đến nội dung như một loại hình dịch vụ. Andrew Savikas, người phụ trách công nghệ số của O’Reilly Media, viết trên blog:

“Dù nhận ra hay không, các công ty truyền thông đang kinh doanh dịch vụ, chứ không phải nội dung. Hãy xem xét trường hợp của iTunes: Nếu mọi người trả tiền cho nội dung, thì nội dung càng hay càng đắt. Nhưng bài hát nào trên iTunes cũng có giá như nhau. Tại sao người ta lại trả giá bằng nhau cho những hàng hóa khác nhau về chất lượng? Bởi họ không trả tiền cho hàng hóa. Họ trả tiền Apple vì hãng này cung cấp cho họ nhiều lựa chọn tiện lợi, dễ thanh toán và dễ download”.

Còn-điều-gì-ông-trùm-Murdoch-không-biết-về-internet?
Dùng thử thiết bị iPad (Ảnh nguồn: .detnews.com)

Không phải ngẫu nhiên mà Apple phát triển thịnh vượng trong cơn dâu bể của ngành truyền thông. Cũng không bất ngờ khi iPad được thiết kế để cải biến những trải nghiệm về truyền thông Internet theo hướng sống động, trực quan hơn laptop và điện thoại thông minh. Quả thực, iPad được chế tạo dựa trên quan điểm cho rằng nội dung giờ đây là một thứ để trải nghiệm chứ không phải để sở hữu. Kinh doanh nội dung – tin tức, âm nhạc, sách hoặc những thứ tương tự – như một sản phẩm trên máy tính bảng tablet sẽ sớm làm bạn thất vọng.

Tư duy như những công ty mới thành lập

Sự “tiến hóa”  của nội dung số được thể hiện rõ hơn trong âm nhạc, lĩnh vực đầu tiên hứng chịu tác động tiêu cực của Internet. 20 năm trước, mua nhạc có nghĩa là mua một đĩa CD sau khi bạn nghe một bài hát trên sóng phát thanh hoặc đọc một bài bình luận trên tạp chí. Ngày nay, âm nhạc trở thành một trải nghiệm. Nó bắt đầu từ những “kho nhạc” như Pandora hay những mạng xã hội như Twitter, và kết thúc bằng một dịch vụ dựa trên công nghệ “điện toán đám mây” (cloud computing) như Spotify hay Grooveshark. Đáng chú ý, đây đều là những công ty mới thành lập, chứ không phải những gã khổng lồ kỳ cựu trong ngành truyền thông.

Tóm lại, những gã  khổng lồ truyền thông cần phải tư duy như những công ty mới thành lập: Hãy nhìn iPad với đôi mắt của một nhà phát triển ứng dụng khác và tưởng tượng xem nó có thể làm được những điều phi thường nào. Tablet sẽ làm biến đổi trải nghiệm của người dùng về sách, tin tức, âm nhạc ra sao? Tại sao người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm mới đó? Đây chính là những câu hỏi đầu tiên cần đặt ra, thay vì hỏi làm thế nào để “khai quật” và tích hợp những sản phẩm thông tin cũ vào các thiết bị hiện đại.

Murdoch đã đúng khi cho rằng thiết bị hiện đại sẽ chỉ là một vật vô tri vô giác nếu thiếu nội dung, nhưng ông đã không nhận ra rằng thực ra đó là quan hệ cộng sinh. “Nội dung là bậc đế vương của tất cả các thiết bị điện tử”, Murdoch tự tin khẳng định. Tuy nhiên, “ông vua” này lại mặc đồng phục của một anh bồi bàn. Khi nào anh bồi bàn này sẽ mang bánh đến cho chúng ta?

Tác giả của bài viết là Kevin Keller đăng trên tạp chí Business Week.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *